Ung thư vú được xem là căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Ở Việt Nam, ung thư vú có tỷ lệ mắc bệnh đứng đầu và tỷ lệ tử vong đứng thứ 3. Ung thư vú có thể chữa được nếu phát hiện bệnh ở những giai đoạn đầu. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về triệu chứng ung thư vú và cách kiểm tra vú tại nhà để phát hiện bệnh sớm nhất.
Các triệu chứng ung thư vú
Đau tức vùng ngực, tuyến vú
Vào những ngày hành kinh hoặc trong giai đoạn thai kỳ, chị em thường bị đau tức ngực, cương tức tuyến vú. Tuy nhiên, nếu trong cả những ngày bình thường cũng có những triệu chứng này và các cơn đau kéo dài, liên tục thì chắc chắn là điều bất thường. Bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và thăm khám chính xác nhất vì đây chính là một triệu chứng ung thư vú.
Kích thước vú tăng bất thường
Một triệu chứng ung thư vú dễ nhận biết bằng mắt thường đó là kích thước vú to lên. Bạn nên thường xuyên soi gương để quan sát được toàn bộ vú, dễ dàng phát hiện được những điều bất thường.
Vú nổi cục
Bạn nên thường xuyên tự sờ để kiểm tra vú. Triệu chứng ung thư vú phổ biến, dễ phát hiện là vú nổi cục. Những cục này có thể là u lành tính hoặc u ác tính. Khi có những nghi ngờ này, bạn nên đến bệnh viện để siêu âm cho chính xác.
Nách nổi hạch
Có nhiều nguyên nhân làm nổi hạch nách nhưng đây cũng là triệu chứng ung thư vú đầu tiên. Đã có rất nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán khi phát hiện hạch ở hố nách.
Vùng da ở vú biến sắc
Vùng da ở vú bị đỏ, sưng, bầm tím… là triệu chứng ung thư vú nguy hiểm, cảnh báo đã mắc ung thư vú ở giai đoạn muộn. Khi có triệu chứng này, bạn cần đi khám ngay.
Núm vú bị tụt
Núm vú đột nhiên bị tụt vào trong và không kéo ra được. Vùng da xung quanh bị nhăn nheo, co rút, xuất hiện các hạt nhỏ quanh núm vú, chảy dịch… là những triệu chứng ung thư vú thường gặp. Bạn cần đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hướng dẫn tự kiểm tra triệu chứng ung thư vú tại nhà
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, từ 20 tuổi, phụ nữ nên hình thành thói quen kiểm tra vú định kỳ mỗi tháng 1 lần, thời điểm tốt nhất là sau khi hết kinh 5 ngày (vú mềm, dễ cảm nhận). Kể cả khi đã mãn kinh, bạn cũng nên kiểm tra đều đặn. Bạn có thể tham khảo trình tự các bước tự kiểm tra vú tại nhà:
- Bước 1: Ngồi hoặc có thể đứng trước gương, cởi áo ra và để 2 tay xuôi theo người. Sau đó, bạn cần quan sát vú thật kỹ để kiểm tra xem có sự thay đổi về hình dáng hay kích thước của mỗi bên vú hay không. Bạn cần kiểm tra sự đối xứng của 2 bên vú, kiểm tra màu sắc vùng da ngực, kiểm tra núm vú.
- Bước 2: Đưa hai tay lên cao, thay đổi hướng để kiểm tra kỹ vú.
- Bước 3: Đưa tay phải ra sau đầu, chụm các ngón tay trái, kiểm tra vú bên phải xem có khối u hay màng dày bất thường không. Kiểm tra xong thì làm tương tự với vú bên trái.
- Bước 4: Dùng ngón cái và ngón trỏ vê, bóp nhẹ núm vú để kiểm tra xem có dịch hay máu chảy ra không.
- Bước 5: Nằm ngửa và kê gối mỏng dưới vai trái, sau đó đưa tay trái ra sau đầu, dùng tay phải để kiểm tra vú trái. Kiểm tra xong thì làm tương tự bên vú phải.
- Bước 6: Giơ tay phải lên cao, dùng tay trái kiểm tra nách bên phải xem có u hay hạch ở hõm nách không. Tương tự, kiểm tra bên nách trái.
Nếu kiểm tra vú, phát hiện các triệu chứng ung thư vú như bên trên, chị em cần đi khám ngay để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Nguy cơ gây ung thư vú
Không chỉ quan tâm đến các triệu chứng ung thư vú mà các chị em còn muốn biết đến các nguy cơ gây ung thư vú để có cách phòng tránh hiệu quả. Các nguy cơ gây ung thư vú thường là:
- Độ tuổi: Ung thư vú xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt là ở những phụ nữ trên 45 tuổi, những người không sinh con hoặc sinh con sau 30 tuổi.
- Các bệnh lý về vú: Nếu người bệnh đã mắc các bệnh lý về tuyến vú như xơ vú, áp xe vú… mà không điều trị kịp thời sẽ để lại những tổn thương khó phục hồi và có nguy cơ hình thành nên ung thư vú.
- Di truyền: Gia đình có bà, mẹ, chị gái mắc bệnh ung thư vú thì người đó có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn.
- Đã từng mắc ung thư: Người từng mắc bệnh các bệnh ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư phúc mạc, ung thư vòi trứng… hoặc đã từng xạ trị vùng ngực thì dễ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
- Yếu tố hormone: Dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng là các nguyên do khiến phái nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Giải thích điều này là do họ chịu tác động của hormone estrogen và progesterone trong thời gian dài.
- Béo phì: Không chỉ có nguy cơ mắc ung thư vú mà người béo phì còn dễ mắc các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, tai biến, các bệnh ung thư khác…
- Lối sống, sinh hoạt gây hại, thiếu khoa học như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống không hợp lý… cũng là các nguyên nhân chủ yếu làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
- Phơi nhiễm phóng xạ: Môi trường sinh sống và làm việc có nhiễm phóng xạ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Triệu chứng ung thư vú thường biểu hiện rõ ở những giai đoạn muộn nhưng ung thư vú chỉ có khả năng chữa được khi bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chị em nên thường xuyên tự kiểm tra vú tại nhà và đi khám sức khỏe định kỳ, luyện tập các thói quen tốt để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư.